Nhà lãnh đạo Kim Jong-un có hành động lạ, khiến nhiều người bất ngờ ngay trước ngày "đại nạn" khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tiến hành bỏ phiếu trừng phạt nước này với một loạt chế tài mới cứng rắn chưa từng có do Mỹ đề xuất hôm nay (11.9).
Nhà lãnh đạo Triều Tiên mở đại tiệc mừng thử hạt nhân lần thứ 6 thành công hôm 9.9. |
Theo đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vừa kỷ niệm 69 lập nước bằng một "đại tiệc" tưng bừng, hoành tráng chứ không phải những vụ phóng tên lửa, thử hạt nhân như nhiều người dự đoán.
Trước đó, giới chuyên gia phân tích phương Tây cảnh báo rằng, Triều Tiên nhiều khả năng sẽ kỷ niệm 69 năm ngày thành lập nước (9.9) bằng một vụ thử hạt nhân mới hoặc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICMB).
Ngay cả Seoul cũng cảnh báo về khả năng này. Triều Tiên đã thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm vào ngày quốc khánh 9.9 năm ngoái. Tuần trước, họ tuyên bố thử nghiệm bom nhiệt hạch có thể gắn trên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, khiến cộng đồng quốc tế lên án và kêu gọi áp đặt các biện pháp trừng phạt khắt khe hơn đối với nước này.
Tuy nhiên, trái với với dự đoán của Seoul và giới chuyên gia, chính quyền Bình Nhưỡng lại tổ chức lễ kỷ niệm ngày lập nước năm nay một cách hòa bình, đơn giản kỳ lạ trong bối cảnh Triều Tiên đối mặt với "ngày đại nạn" khi trong phiên họp hôm nay (11.9), Liên Hợp Quốc có thể thông qua nghị quyết (do Mỹ đề xuất) áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn chưa từng có đối với nước này.
Các biện pháp trừng phạt bao gồm cấm xuất khẩu dầu mỏ cho nước này, đóng băng tài sản của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cấm nhập khẩu hàng dệt may Triều Tiên và chấm dứt các khoản thanh toán cho các công nhân đang làm việc ở nước ngoài của nước này...
Việc bỏ phiếu diễn ra gần một tuần sau khi Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch và có dấu hiệu tiếp tục thử tên lửa đạn đạo.
Sau thành công của vụ thử, Bình Nhưỡng tự hào tuyên bố về vị thế "cường quốc quân sự thế giới" và tỏ thái độ thù địch chống Mỹ rõ ràng. Trang nhất Rodong Sinmun, tờ báo chính thức của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên ca ngợi nước này đã trở thành một "cường quốc hạt nhân bất khả chiến bại".
"Ngành công nghiệp quốc phòng, cùng với chính sách Byungjin (phát triển song song kinh tế và vũ khí hạt nhân) phải tạo ra nhiều vũ khí tân tiến hơn", một bài xã luận trên báo đảng Triều Tiên Rodong Sinmun ngày 9.9 có đoạn viết.
Tờ báo này còn kêu gọi Triều Tiên có thêm "những sự kiện thần kỳ" như hai vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nhằm răn đe Mỹ.
Cùng với Mỹ, Nhật Bản đang ra sức thúc đẩy các biện pháp cấm vận xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên. Washington cũng chú trọng cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may và cấm các nước tiếp tục sử dụng lao động Triều Tiên.
Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng, các biện pháp trừng phạt Triều Tiên không hiệu quả và phản đối nghị quyết mới, chủ yếu do mối quan hệ kinh tế giữa 2 nước này và Bình Nhưỡng. Trong khi cả thế giới đang dõi theo phiên họp hôm nay tại Liên Hợp Quốc, người dân Triều Tiên vẫn giữa tinh thần rất lạc quan. Họ vẫn đang phấn khởi, vui mừng trước thành công của các vụ thử tên lửa gần đây cũng như vụ thử bom nhiệt hạch đầu tháng 9.
Ông Pak Kum Hyang, một cư dân tại Bình Nhưỡng chia sẻ: "Bởi vì chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ cho đồng chí Kim Jong-un, nhà lãnh đạo tối cao của chúng tôi, đất nước chúng tôi sẽ trở nên mạnh hơn và là một cường quốc hạt nhân và chúng tôi sẽ có một tương lai tuyệt vời".
Theo Phương Đăng (Dân Việt)
--> Xem thêm bài viết của mục tin hot trong ngày khác tại đây!